Lịch sử phát triển Cơ giới hóa chiến tranh

Các vấn đề hạn chế của quân sự thiếu tính cơ giới

Vào thế kỷ thứ 11, thuốc súng đã được sử dụng ở Trung Hoa, dưới thời Nhà Tống, sau đó du nhập về hướng tây, đến thế kỷ 14, thuốc súng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu. Việc ứng dụng thuốc súng đã làm thay đổi diện mạo của chiến tranh, sức mạnh của thuốc súng đã phá vỡ các pháo đài, đánh bại các kị binh hạng nặng, làm đảo lộn tất cả cách thức tiến hành chiến tranh của châu Âu. Những khẩu pháo lớn được kéo bằng ngựa đã chứng minh ưu thế vượt trội của pháo binh trên chiến trường.

Sự ứng dụng của pháo binh đã góp phần gia tăng khả năng chiến thắng trong chiến tranh nhưng thời gian đầu việc xây dựng pháo binh không hề đơn giản. Quá trình đó vô cùng tốn kém và không phải lúc nào cũng hiệu quả. Để sử dụng hỏa lực mạnh cần những khẩu pháo hạng nặng, nhưng pháo nặng cần rất nhiều ngựa kéo, cồng kềnh rất khó xoay xở trên chiến trường, thường chậm chạp trong các cuộc hành quân có yêu cầu tốc chiến tốc thắng. Một khẩu pháo thường cần rất nhiều lính pháo binh và rất nhiều lính bảo vệ đi kèm. Đôi khi rất dễ tổn thương nếu rơi lại phía sau khi di chuyển trong một cuộc hành quân.

Pháo binh thuở ban đầu không chỉ có các vấn đề về vận chuyển mà cả vấn đề về hỏa lực. Khi bao vây thành Contanstinople năm 1453, quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắn đạn đại bác nặng 800 cân đi xa 1 dặm Anh (1 dặm Anh = 1.609 m), nhịp tác xạ là 7 phát 1 ngày. Năm 1650, một khẩu đại bác bắn đạn nặng 9 cân có tầm bắn 175 yard (1 yard = 0,9144 mét). Đến 1850, ở Anh, một khẩu đại bác nòng trơ bắn đạn 9 cân có tầm bắn chỉ có 300 yard.[1] Cho đến thế kỷ 18, ở một số nước châu Âu vẫn xem đại bác như một loại vũ khí phụ và ít quan tâm xây dựng pháo binh. Đến khi Napoleon chinh phạt châu Âu, ông từng nói rằng: "chính pháo binh tạo ra chiến thắng".

Nhưng phần lớn các nước châu Âu trong một thời gian dài rẻ khinh pháo binh không phải không có lý do. Pháo binh lúc đó rất chậm chạp trong việc nạp đạn, tác xạ không chính xác và tầm tác xạ hạn chế. Không chỉ đại bác mà cả súng cầm tay cũng có những vấn đề tương tự về tốc độ, khoảng cách và sự chính xác. Việc nạp đạn của một cây súng hỏa mai đòi hỏi cỡ 60 động tác khác nhau, thường do nhiều người làm, và rồi tác xạ không chính xác đến nỗi chỉ một tỉ lệ nhỏ của số đạn bắn ra là trúng đích loại được một người. Còn đối với đại bác cần có nhiều người hơn, đơn thuần chỉ là vận chuyển, việc nạp đạn cũng là một nỗ lực lớn của một tập thể lính pháo binh, nhưng thông thường ít khi bắn trúng mục tiêu và việc có khả năng bắn trúng một đội hình quân địch cũng chỉ loại khoảng hai mươi người.

Đối với phương tiện di chuyển, bao gồm phương tiện kéo pháo thì có những vấn đề tương tự. Mãi đến năm 1899, trong cuộc chiến tranh Boer, người ta còn phải dùng tới 32 con bò để kéo một khẩu pháo có nòng 5 inchs. Khả năng di chuyển chậm chạp đã giới hạn khả năng sử dụng pháo binh trong chiến tranh.[2]

Cách mạng trong kỹ thuật quân sự

Đến thời đại công nghiệp, kỹ thuật quân sự gia tăng nhanh chóng. Năm 1850, với đội hình bộ binh ô vuông 1.000 lính, khả năng bắn 1.000 phát đạn mất 1 phút, tầm xa 2.200 m. Đến năm 1866, là 2.000 phát, tầm xa 2.700 m. Đối với kiểu súng trường 1886 là 6.000 phát và tầm xa 3.800 m. Các khẩu súng máy năm 1913 là 10.000 phát, tầm xa 4.400 m. Như vậy trong 63 năm từ 1850 đến 1913, độ nhanh hỏa lực tăng 10 lần, tầm tác xạ rộng lớn hơn.[3] Khi xem xét và so sánh điều này trong khoảng thời gian 1913 đến 1938, sự phát triển đó còn rõ rệt hơn giai đoạn 1550 đến 1850. Đến chiến tranh thế giới I, sự sử dụng phổ biến của súng máy có thể làm cỏ bộ binh bất kể các cuộc tấn công đông đảo thế nào, chính vì vậy, chiến tranh mau chóng đi vào hình thái chiến hào. Ngày nay, khẩu súng nhanh nhất được chế tạo là của Hãng Metal Storm có khả năng bắn 1 triệu viên đạn trong 1 phút.[4]

Vào giữa thế kỷ 16, tầm tác xạ của một khẩu đại bác cỡ nhỏ cầm tay là 100 yard, 1 phát trong 2 phút là nhịp tác xạ tốt nhất khả đĩ đạt được, nhưng đến chiến tranh thế giới I trọng pháo đã có thể bắn xa 76 dặm (ngoại lệ, một số khẩu đại bác 18,4 inch của Quân đội Đế quốc Đức có thể bắn xa hơn). Đến chiến tranh thế giới II việc sử dụng pháo nặng đã vượt trội khi gắn trên máy bay và tầm hoạt động của các loại máy bay này đã vươn xa trong bán kính 1.500 dặm.[5]

Như vậy, sự phát triển của kỹ thuật đã thúc đẩy khả năng tấn công của một đạo quân cách nay 200 năm chỉ trong vài dặm đã gia tăng 76 dặm trong cùng một khoảng thời gian, và ngày nay, khoảng cách đó là vô hạn với sự sử dụng của hàng không mẫu hạmtên lửa liên lục địa. Bên cạnh sự tăng tiến của việc cải thiện khoảng cách tấn công, những thứ vũ khí mới hơn được sử dụng, điển hình là bom, một quả bom ném từ máy bay có thể sát hại hàng trăm người.

Việc cơ giới hóa vũ khí qua hàng thế kỷ tập trung trước hết vào việc cải tiến chất lượng vũ khí bộ binh và pháo binh. Thời đại công nghiệp với khả năng sản xuất, gia công đều do máy móc thực hiện khiến súng cầm tay và đại bác đều cải thiện. Vũ khí nhẹ hơn, vật liệu bền hơn, đại bác từ đồng chuyển sang thép với khả năng chịu nhiệt khi bắn cao hơn. Vũ khí do máy móc làm và bản thân chúng cũng là một loại máy móc. Khác xa với những khẩu súng giản đơn thuở ban đầu, những khẩu súng hiện đại có khả năng bắn tự động với tốc độ cao chưa từng thấy.

Cơ giới hóa còn tập trung vào phương tiện vận tải. Phương tiện di chuyển phổ biến trong nhiều thế kỷ là ngựathuyền buồm. Vào khoảng năm 1900, tàu hỏa đã tăng tốc di chuyển trên bộ lên 65 dặm/giờ, với khả năng mang theo tải trọng vượt xa một đoàn ngựa thồ. Tàu thủy động cơ hơi nước đã tăng tốc di chuyển đường biển lên 36 dặm/giờ, gấp 3 lần vận tốc trước đây của các phương tiện đi biển dùng sức gió. Ngày nay, các loại máy bay chiến đấu như XB-70 Valkyrie đã có thể vượt tốc độ 3.219 km/h, những kiểu mẫu máy bay vận tải hàng hóa như An-124 Ruslan có thể tải 120 tấn hàng hóa.[6]

Sự ra đời của các phương tiện di chuyển kiểu mới, xe cộ chạy động cơ đã giúp kéo những khẩu pháo nặng di chuyển với tốc độ nhanh hơn, có thể tấn công và rút lui mau chóng từ những khoảng cách xa, góp phần làm gia tăng tử thương của quân địch, góp phần vào chiến thắng nhanh chóng trên chiến trường. Sự ra đời và phát triển của máy bay còn thúc đẩy khả năng vận tải lên một mức mới. Khi chúng ứng dụng vào quân sự thì binh lính và vũ khí được vận chuyển nhiều hơn, tác chiến mau chóng trong một khoảng cách rất xa. Ngày nay, quân đội Mỹ có thể phản ứng quân sự nhanh chóng đối với bất cứ khu vực đe dọa nào trên khắp thế giới. Còn lực lượng dù Nga có thể triển khai hàng chục ngàn lính đến bất cứ nơi nào trên Trái Đất chỉ trong 48 giờ.